Chân tóc yếu – Nguyên nhân và cách khắc phục
I. Những nguyên nhân khiến chân tóc yếu
1. Da đầu nhờn
Khi da đầu nhờn, tiết nhiều dầu, bụi bẩn dễ dàng bám lại sinh ra gàu, tóc mau bẩn và bết dính, gây mất thẩm mỹ. Có nhiều nguyên nhân làm cho da đầu bị nhờn, ví dụ như chế độ ăn uống không khoa học, dư thừa chất béo hay do hệ tuần hoàn điều tiết không được tốt,…
Tuy nhiên nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng tiết bã nhờn ở chân tóc là do lượng Dihydrotestosterone (DHT) trong cơ thể tăng cao, kích thích hoạt động của tuyến bã nhờn tại chân tóc, sinh ra nhiều chất nhờn. Lượng DHT dư thừa lớn sẽ tác động ngược vào nang tóc, khiến chân tóc bị teo, lớp màng bảo vệ trên da đầu dày hơn, chậm lại sự truyền máu đến mao mạch, từ đó chân tóc yếu gây rụng tóc.
2. Gội đầu quá nhiều lần
Việc gội đầu thường xuyên sẽ làm trôi đi các dưỡng chất tự nhiên tốt cho sự phát triển của mái tóc vì thế, bạn nên gội 2 – 3 lần/tuần và tránh chà xát da đầu quá mạnh. Khi gội xong phải xả thật sạch với nước.
3. Chải tóc quá nhiều
Chải tóc thường xuyên cũng gây ra những tổn thương không đáng có cho nang tóc vì phần răng lược thường khá cứng, dễ làm cho tóc bị gãy rụng. Cho nên, hãy lựa chọn một chiếc lược có răng thưa sẽ hạn chế làm tóc hư tổn.
4. Sử dụng hóa mỹ phẩm không tốt cho tóc
Việc lạm dụng hóa mỹ phẩm như dầu gội có hoạt tính tẩy rửa mạnh, thuốc nhuộm nhiều hóa chất khiến cho mái tóc của bạn chịu tác động xấu, chân tóc yếu dễ rụng. Ngoài ra, ép, uốn, dập xù, tạo kiểu hay tẩy tóc, nhuộm tóc quá thường xuyên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mái tóc, làm mất đi sự tự nhiên, khiến cấu trúc tóc bị biến đổi.
5. Thiếu dưỡng chất
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, bạn bị thiếu hụt các dưỡng chất để nuôi tóc như sắt, kẽm, keratin, vitamin B, khiến nang tóc không hấp thu được đủ dinh dưỡng và rụng dần.
Xem thêm: Cách trị tóc dầu tại nhà
II. Chân tóc yếu phải làm sao? Đâu là phương pháp cải thiện?
Khi nhận thấy tình trạng tóc gãy rụng ngày càng nhiều, bạn nên áp dụng ngay một số phương pháp dưới đây để hạn chế và cải thiện mái tóc cho bản thân.
1. Bổ sung dưỡng chất
Để mái tóc được nuôi dưỡng, bảo vệ từ bên trong, bạn cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất như omega-3, protein, các loại vitamin B, A, C và hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo. Bạn cũng nên ăn nhiều trái cây, rau củ quả tươi giúp tăng cường chất dinh dưỡng đến nang tóc và làm lành các tổn hại ở chân tóc.
2. Sử dụng dầu gội tự nhiên
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại dầu gội chiết xuất từ thiên nhiên như cỏ mần trầu, hương nhu, bồ kết,… được khuyến cáo sử dụng cho những ai có chân tóc yếu và sẽ hạn chế được những tác động xấu lên mái tóc nhưng những sản phẩm dầu gội có hóa chất hay hoạt tính tẩy rửa mạnh. Bạn cũng nên dùng dầu xả để bảo vệ và nuôi dưỡng mái tóc mềm mượt, chắc khỏe. Đồng thời, hạn chế chải tóc khi ướt và dùng máy sấy ở nhiệt độ cao.
3. Không lạm dụng hóa chất tạo kiểu
Hạn chế việc uốn, nhuộm tóc quá thường xuyên gây ảnh hưởng trực tiếp tới tóc, nhất là hóa chất có thể khiến nang tóc bị teo lại, gây rụng tóc. Nếu có sử dụng hóa chất, nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn những sản phẩm phù hợp và đừng quên dùng các sản phẩm hỗ trợ giúp giảm đi nồng độ hóa chất trên tóc.
4. Massage da đầu bằng tinh chất tự nhiên
Bạn có thể dùng một số tinh dầu tự nhiên như dầu dừa, dầu olive, dầu bưởi để massage nhẹ nhàng cho da đầu, giúp cung cấp độ ẩm và tăng tuần hoàn máu. Nếu kiên trì áp dụng, chân tóc yếu sẽ được cải thiện rõ rệt.
Xem thêm: Ủ tóc bằng dầu dừa – bí quyết giúp tóc bạn chắc khỏe
5. Dùng thuốc hỗ trợ
Bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ nuôi dưỡng chân tóc, ngăn ngừa rụng tóc, vừa khiến tóc chắc khỏe vừa giúp thải độc cho tóc.
Trong một thời gian dài áp dụng một số biện pháp trên mà không thấy tình trạng rụng tóc thuyên giảm, chân tóc ngày càng yếu đi thì bạn nên tìm đến các cơ sở y tế và phòng khám chữa rụng tóc chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời bằng các kỹ thuật hiện đại. Đây là một việc vô cùng cần thiết giúp bạn có thể phòng ngừa sớm tình trạng hói đầu. Hy vọng bài viết này sẽ là một gợi ý hữu ích giúp bạn phục hồi mái tóc chắc khỏe, đầy sức sống!